Trong mắt nhiều người, Nhật Bản được biết tới như một điểm dừng chân tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ với những nét văn hóa truyền thống đang tồn tại hài hòa giữa xã hội hiện đại và truyền thống. Ngoài ra, Nhật bản còn được biết đến với hệ thống giáo dục đa dạng, tiên tiến, hiện đại bậc nhất châu Á và xếp hạng cao trên thế giới. Bài chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về nền giáo dục của đất nước xinh đẹp này.
I. Khái quát
Về mặt giáo dục, Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế gần như bằng không và 74.1% (năm 2010) số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành đã được thiết lập ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào giữa những năm 1947 và 1950, lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu. Nó bao gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), tiếp theo đó là 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Đã có những động thái nhằm hiện đại hoá chương trình giảng dạy. Tỷ lệ thanh niên cả nam lẫn nữ tiếp tục học lên trung học phổ thông và bậc đại học sau khi đã kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc đã gia tăng. Trình độ chung của giáo dục đã được cải thiện, nhưng đồng thời, một số tác động tiêu cực đã nảy sinh do việc gia tăng số học sinh hoặc do chế độ nghiêm ngặt của hệ thống giáo dục.
Trong số các vấn đề phát sinh, nghiêm trọng nhất có lẽ là vấn đề thi cử. Trong xã hội hậu Minh Trị, sự phân biệt giai cấp còn nặng nề hơn ngày nay rất nhiều, giáo dục được xem là con đường duy nhất dẫn đến cơ hội bình đẳng. Trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thái độ này đã gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt để giành được chỗ học trong các trường nổi tiếng. Khi đi xin việc làm, người ta thường có khuynh hướng chỉ đánh giá ứng viên xin việc qua cái mác trường đại học người đó đã tốt nghiệp. Chính vì vậy, để xin được việc làm tốt ở một hãng lớn, các phụ huynh phải lo cho con em mình vào học ở một trường trung học nổi tiếng. Cứ thế, sự cạnh tranh thi cử lan dần xuống tới tiểu học. Nhiều học sinh đã theo học tại các trường được gọi là trường dự bị hay trường luyện thi, hoặc theo học những giờ luyện thi do các giáo viên tư nhân dạy.
II. Sơ đồ hệ thống trường học ở Nhật
- Trường chuyên tu chia làm 3 loại : Khóa cao đẳng (dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở), khóa chuyên môn (dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đại học/ đại học ngắn hạn), khóa tổng quát( không qui định để vào. Trường chuyên tu có khóa cao đẳng được gọi là trường chuyên tu cao đẳng, trường chuyên tu có khóa chuyên môn được gọi là trường chuyên môn.
- Trường tổng hợp thì có trường luyện thi, trường bảo trì xe hơi, trường quốc tế…
Chi phí học tập 1 năm cho mỗi 1 người học mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học:
Phân cấp | Mẫu giáo | Trường tiểu học | Phổ thông cơ sở | Phổ thông trung học | ||||
Công lập | Tư lập | Công lập | Tư lập | Công lập | Tư lập | Công lập | Tư lập | |
Chi phí giáo dục | 129,581 | 358,313 | 54,929 | 835,202 | 131,501 | 990,398 | 237,669 | 685,075 |
Phí ăn trưa trong trường | 18,834 | 28,078 | 42,227 | 46,052 | 35,448 | 9,429 | ・・・ | ・・・ |
Phí hoạt động ngoài trường | 83,505 | 151,127 | 206,937 | 584,069 | 292,562 | 278,863 | 155,795 | 237,641 |
Tổng chi phí học tập | 231,920 | 537,518 | 304,093 | 1,465,323 | 459,511 | 1,278,690 | 393,464 | 922,716 |
Nguồn: Điều tra về tiền học, niên khóa 2010(Bộ giáo dục)
III. Chế độ giáo dục
Ở Nhật vào năm 1994 cũng đã phê chuẩn “ Điều ước về quyền lợi của trẻ em” được đưa ra tại Liên hiệp quốc năm 1989. Trong điều ước này, việc bảo vệ quyền lợi được học hành của trẻ em được qui định. Ở Nhật thì phu huynh của trẻ em người nước ngoài phải có nghĩa vụ cho con em được tiếp nhận giáo dục phổ thông, trẻ em có quyền được đi học.
1. Chế độ 6-3-3-4
Chế độ giáo dục của Nhật cơ bản là trường tiểu học 6 năm, phổ thông cơ sở 3 năm, phổ thông trung học (cấp 3)3 năm, đại học 4 năm (đại học ngắn hạn 2 năm).
2. Giáo dục nghĩa vụ
Trong các trường này, trường tiểu học và phổ thông cơ sở là giáo dục nghỉa vụ, toàn bộ trẻ em phải nhập học và tốt nghiệp. Giáo dục nghĩa vụ là nghĩa vụ đối với công dân Nhật, nhưng trẻ em có quốc tịch nước ngoài từ tròn 6 tuổi đến 15 tuổi đang sống ở Nhật thì nếu muốn, bất kể quốc tịch nào đi chăng nữa cũng có thể vào học các trường tiểu học và phổ thông cơ sở của địa phương với cùng một chi phí như người Nhật. Quý vị phụ huynh nên suy nghĩ đến tương lai của con em mà tiến hành việc nhập học và vào học một cách tích cực.
3. Ngoài ra
Đa số các trẻ em của Nhật sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở thì học tiếp lên phổ thông trung học và đại học. Phổ thông trung học và đại học thì trên nguyên tắc, người muốn học sẽ thi nhập học và vào học.
Ngoài ra, còn có trường mẫu giáo cho trẻ em trước khi vào học tiểu học. Thêm nữa, có các trường chuyên tu và tổng hợp dạy kỹ thuật và kiến thức cần thiết để đi làm dành cho đối tượng chủ yếu là người đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Cũng có trường giáo dục hỗ trợ đặc biệt dành cho các em bị khuyết tật.
IV. Phân loại trường học và kỳ nghỉ
1. Trường quốc lập/công lập và trường tư lập
Trường học có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Nếu là trường tiểu học và phổ thông cơ sở công lập, theo nguyên tắc thì trường mà mình sẽ vào học được qui định tùy theo nơi mà mình đang sinh sống, vì vậy không cần phải thi vào. Trường tư lập thì phải thi và chỉ có thể nhập học nếu thi đậu.
2. Năm học, học kỳ, kỳ nghỉ
Trường học của Nhật bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 của năm sau. Năm học ở đa số các trường chia làm 3 học kỳ. Học kỳ 1 từ tháng 4 đến tháng 7, học kỳ 2 từ tháng 9 đến tháng 12, học kỳ 3 từ tháng 1 đến tháng 3. Giữa các học kỳ có kỳ nghỉ hè dài khoảng 40 ngày, kỳ nghỉ đông và kỳ nghỉ xuân khoảng 2 tuần.
- Một số các trường học thì năm học chia làm 2 học kỳ. Nếu là trường theo chế độ 2 học kỳ thì kỳ 1 (tiền kỳ) bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, kỳ 2 ( hậu kỳ) từ tháng 10 đến tháng 3), ngoài kỳ nghỉ hè, đông , xuân còn có kỳ nghỉ thu giữa 2 học kỳ (khoảng từ 4 ~ 6 tuần).
V. Giáo dục phổ thông
So với các chương trình giáo dục của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, chương trình giáo dục của Nhật khá nghiêm khắc. Niên học bắt đầu từ tháng tư cho đến tháng ba năm sau. Kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 6 tuần, nghỉ đông và xuân khoảng 2 tuần. Ngày học thường bắt đầu từ 8:30 sáng đến 15:00 chiều. Một tuần học 5 ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. Sau giờ học, phần lớn các học sinh ở lại tham gia các câu lạc bộ thể thao hoặc các hoạt động khác. Không có những khóa học về kỹ thuật hay ngành nghề trong những năm giáo dục bắt buộc. Hơn nữa, không có hệ thống định hướng nào trong các trường tiểu học công và trung học bậc thấp. Trong các trường trung học bậc cao, khoảng 70% học sinh theo các chương trình đại cương.
Hiện nay Nhật đang nghiên cứu cải cách nội dung giáo dục. Cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản nhằm vào các mục tiêu: tăng tầm quan trọng đặc biệt việc phát triển của từng cá nhân; chuyển sang hệ thống giáo dục học tập suốt đời; tạo sự cân bằng giữa các kiến thức truyền thống với các kiến thức công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay tại Nhật Bản phục vụ xu hướng quốc tế xã hội và thời đại thông tin.
1. Giáo dục trước khi đi học
Giáo dục trước khi đi học được tiến hành ở mẫu giáo cho đối tượng là trẻ em trước khi vào học tiểu học
Mẫu giáo
Mẫu giáo là cơ sở giáo dục cho trẻ em từ 3 tuổi cho đến trước khi vào tiểu học. Mẫu giáo có các loại quốc lập, công lập và tư lập do nhà nước, các đoàn thể tự trị địa phương và tổ chức pháp nhân thiết lập. Tùy mỗi khu vực mà có tiền trợ cấp cho trẻ đang học mẫu giáo tư nhân.
- Có những cơ sở gọi là nhà trẻ, nơi nhận giữ trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn bé cho những phụ huynh không thể giữ con.
Mẫu giáo công lập | Mẫu giáo tư lập | |
Đối tượng vào mẫu giáo | Trẻ em 4 ~ 5 tuổi sống trong khu vực đi mẫu giáo (có địa phương nhận cả trẻ 3 tuổi). | Từ 3 ~ 5 tuổi |
Thời gian giữ | Từ 9 giờ ~ 14 giờ. Nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật, các ngày lễ, các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ xuân. | Khác nhau tùy vào mỗi trường mẫu giáo |
Đăng ký | Khoảng từ cuối tháng 10 ~ đầu tháng 11 | Khoảng từ tháng 10 ~ đầu tháng 11 |
Phát, nhận đơn xin vào | Các trường mẫu giáo | Các trường mẫu giáo |
Phí tổn | Phí nhập trường (khi vào mẫu giáo), phí nuôi giữ trẻ | Ngoài phí nhập trường, phí nuôi giữ trẻ, có trường mẫu giáo còn thu thêm phí xây dựng cơ sở vật chất, đóng góp quĩ .v.v… Ngoài ra, khi nhập trường, có những trường mẫu giáo tiến hành phỏng vấn, thi vào trường. Trong trường hợp đó, bạn cần phải nộp thêm phí tuyển chọn. |
Khu vực đi mẫu giáo | Địa phương nơi bạn đang sinh sống | Không giới hạn |
Ngoài ra | Khi đi học mẫu giáo, cần phải có phụ huynh đưa đón và mang theo cơm hộp. Phí tổn … khác nhau tùy địa phương, cho nên hãy hỏi chi tiết tại bộ phận giáo dục của phòng hành chính khu vực | Tùy địa phương mà có cấp thêm tiền hỗ trợ phí nhập trường,hỗ trợ phí nuôi giữ trẻ, tiền khích lệ đi học mẫu giáo. Mỗi một trường mẫu giáo tư có phương châm giáo dục đặc thù riêng, cho nên việc hỏi chi tiết tại các trường mẫu giáo là rất quan trọng. |
Vườn trẻ (Kodomoen) được công nhận
Đây là cơ sở có cả kỹ năng mẫu giáo lẫn kỹ năng nhà trẻ, nhận giáo dục trẻ ở mẫu giáo và nuôi giữ trẻ ở nhà trẻ cho dù phụ huynh có đi làm hay không đi làm. Ngoài ra, toàn bộ các gia đình đang nuôi con nhỏ đều có thể nhận được hỗ trợ ví dụ như tư vấn về việc nuôi con.
Vườn trẻ có 4 loại hình: Loại liên kết nhà trẻ với trường mẫu giáo, mẫu giáo, nhà trẻ và cơ sở không được công nhận, mỗi nơi có thiết bị và phương pháp quản lý khác nhau, cho nên cần xác nhận lại nội dung cho rõ ràng.
Làm đơn xin: Xin trực tiếp tại vườn trẻ được công nhận.
Phí tổn: Là số tiền phải trả do các vườn trẻ được công nhận qui định. Tiền đóng nhà trẻ được qui định tùy theo tình trạng và thu nhập của phu huynh.
Chế độ hỗ trợ: Ở trường mẫu giáo có những chế độ như tiền hỗ trợ khích lệ đi mẫu giáo. Nếu sử dụng chế độ này, xin hỏi bộ phận sức khỏe phúc lợi của các địa phương.
2. Trường cấp 1, cấp 2
Ở Nhật thì trường tiểu học (6 năm) và phổ thông cơ sở (3 năm) là giáo dục nghĩa vụ. Trong sinh hoạt học đường, có những tập quán, sự kiện, qui tắc chỉ có ở Nhật. Các bạn hãy hiểu những chuyện đó, cố gắng làm sao cho con em mình an tâm, vui vẻ tham gia sinh hoạt trong trường học.
Tuổi đi học
Tuổi đi học là độ tuổi thích hợp để vào trường học. Trẻ vào học tiểu học tròn 6 tuổi, trẻ vào học phổ thông cơ sở tròn 12 tuổi. Trẻ em người nước ngoài thì theo nguyên tắc cũng vào năm học tương đương với độ tuổi.
Chi phí
- Trường quốc lập và công lập
Tiền nhập học vào trường tiểu học và phổ thông cơ sở, học phí, tiền sách giáo khoa thì miễn phí, nhưng tự mình phải chịu những phí tổn như tiền giáo trình ngoài sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tiền ăn, tiền du ngoạn, đồng phục …
- Trường tư Tự mình phải trả những khoản như tiền nhập học, học phí .
Thủ tục nhập học
Khi muốn cho con vào học trường tiểu học hoặc phổ thông cơ sở công lập, nếu bạn đi đến phòng hành chính khu vực hoặc ban giáo dục nơi bạn đang sống và truyền đạt nguyện vọng muốn vào học trường của Nhật, bạn sẽ được trao “ Đơn xin nhập học”. Hãy ghi những mục cần thiết vào đơn và nộp. Để xin nhập học, cần phải có thẻ chứng minh đăng ký ngoại kiều của con và phụ huynh. Thủ tục thì có thể làm bất cứ lúc nào. Khi muốn cho con bạn vào học trường quốc tế hoặc trường tiểu học, phổ thông cơ sở quốc lập/ tư lập, bạn hãy đến xin trực tiếp tại trường đó.
- Bản hướng dẫn nhập học sẽ được gửi tới phụ huynh nào đăng ký ngoại kiều và có con đến tuổi học tiểu học vào năm sau. Trong bản hướng dẫn nhập học có ghi trường sẽ vào học và ngày khám sức khỏe (khám sức khỏe trước khi đi học) để đi học.
- Cũng có trường hợp giấy cho phép nhập học nhập học không được gửi đến, vậy nếu con bạn gần 6 tuổi, hãy nhanh chóng đến phòng hành chính khu vực hoặc ban giáo dục hỏi cho rõ.
Các thủ tục nhập học bao gồm:
① Quyết định địa chỉ
② Đăng ký ngoại kiều
③ Nhận thẻ chứng minh đăng ký ngoại kiều
④ Nộp đơn xin nhập học cho phòng hành chính khu vực
⑤ Giấy cho phép nhập học sẽ được gửi tới từ ban giáo dục của khu vực
⑥ Đi đến trường được chỉ định làm thủ tục nhập học
Do chế độ quản lý lưu trú mới và chế độ đăng ký cư trú cơ bản của cư dân người nước ngoài sắp bắt đầu, dự kiến rằng các mục có liên quan sẽ thay đổi. (Dự định sẽ bắt đầu chế độ mới từ ngày 9 tháng 7 năm 2012)
Thủ tục chuyển trường (nhập học giữa chừng)
Nếu có nguyện vọng muốn chuyển vào trường tiểu học hoặc phổ thông cơ sở công lập, hãy làm thủ tục chuyểntrường tại phòng hành chính khu vực nơi mình sống. Sau đó , vào học tại trường được chỉ định vào ngày đã được chỉ định.Trên nguyên tắc, sẽ theo hôc năm học tương ứng với độ tuổi, nhưng do những chuyện như năng lực tiếng Nhật…, có thể học ở lớp dưới tạm một thời gian. Vì vậy, khi thấy bất an, bạn hãy tư vấn với ban giáo dục của địa phương hoặc thầy cô trong trường.
Ngoài ra, khi muốn cho con bạn vào học trường quốc tế hoặc trường tiểu học, phổ thông cơ sở quốc lập/ tư lập, bạn hãy đến xin trực tiếp tại trường đó.
Sinh hoạt học đường (trường hợp trẻ con chưa vững tiếng Nhật)
Học bằng tiếng Nhật. Vì thế, ở nhiều trường tiểu học và phổ thông cơ sở có dạy tiếng Nhật cho những em chưa rành tiếng Nhật. Để các em nhanh chóng quen với sinh hoạt bằng tiếng Nhật, nhà trường tổ chức dạy tiếng Nhật và hướng dẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu cảm thấy bất an về mặt ngôn ngữ, trước tiên, hãy tư vấn với thầy cô trong trường.
Sinh hoạt học đường (các hoạt động)
Ở trường học có nhiều hoạt động khác nhau. Nhà trường thường gửi trước thông báo về hoạt động của nhà trường. Cũng để quen với cuộc sống ở Nhật, hãy tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Nhà trường có những hoạt động như sau:
PTA
Ở trường có một tổ chức của phụ huynh và giáo viên được gọi là PTA. Đây là một tổ chức mà cha mẹ của các em đang theo học tại trường và các thầy cô hợp tác với nhau tạo ra đủ thứ hoạt động vì trẻ em.
Chăm sóc học trò sau giờ học (câu lạc bộ học trò, câu lạc bộ nhi đồng)
Các lớp nhỏ (từ lớp 1 đến lớp 3) của tiểu học mà phụ huynh không có ở nhà vào ban ngày thì có câu lạc bộ học trò làm nơi sinh hoạt cho các em sau giờ tan học, nhằm dưỡng dục cho các em một tinh thần và thể chất tráng kiện thông qua những trò chơi thích hợp.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở
Có nhiều phương pháp để tiếp tục học sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Có những cách như là tiếp tục học ở trường phổ thông trung học, trường cao đẳng chuyên môn, học lên trường chuyên tu, trường tổng hợp, trường việc làm, hoặc vừa làm vừa học ở các trường phổ thông trung học có chế độ học ngoài giờ (ban đêm/ban ngày) hoặc học từ xa.
3. Trường phổ thông trung học
Trường phổ thông trung học (koutougakkou) nói chung được gọi là koukou (dưới đây sẽ gọi là trường cấp 3). Khoảng trên 90% người Nhật học lên cấp 3. Cũng giống như trường tiểu học và phổ thông cơ sở, trường cấp 3 có 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Trường công lập thì có giới hạn tùy theo khu vực bạn sinh sống.
Tuy nhiên, vì trường cấp 3 không phải là giáo dục nghĩa vụ nên bạn phải tự mình trả các khoản như tiền nhập học, tiền học phí, tiền sách giáo khoa …
Để vào nhập học
Để vào học trường cấp 3 thì phải thi đậu kỳ thi vào các trường trường cấp 3. Có cả những trường mà nếu thành tích học tập xuất sắc, hoặc giỏi về một chuyên môn nào đó, có thể vào học theo chế độ nhập học tiến cử với hình thức thi khác như thi phỏng vấn .v.v… Ngoài ra, còn có cả những trường có khung đặc biệt cho người nước ngoài, vậy bạn hãy hỏi trường mà bạn muốn vào học.
Điều kiện
Sắp tốt nghiệp phổ thông cơ sở của Nhật, hoặc nếu được công nhận là có học lực tương đương với tốt nghiệp phổ thông cơ sở của Nhật trở lên, thì có thể thi vào trường cấp 3. Những người tốt nghiệp phổ thông cơ sở ở nước ngoài cần phải có giấy chứng minh.
Kỳ thi công nhận đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở
Đây là kỳ thi quốc gia để nhận định có học lực trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở hay chưa, và những người đậu được nhập học (dự thi) vào trường cấp 3. Người có quốc tịch nước ngoài thì bất cứ ai cũng có thể dự thi nếu tròn 15 tuổi tính đến ngày 31 tháng 3 năm đó.
Các loại trường cấp 3
Hãy bàn bạc với thầy cô của trường phổ thông cơ sở về việc mình có nguyện vọng học trường nào, khoa nào.
Khoa
Có phân khoa phổ thông, khoa chuyên môn (khoa công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp …), khoa tổng hợp.
Khóa học
Tùy theo hình thái của giờ học mà phân chia thành khóa học suốt ngày, ngoài giờ, học từ xa …
- Học suốt ngày: Học ban ngày, học 3 năm
- Học ngoài giờ: Vừa làm vừa học vào ban đêm (hoặc ban ngày), học trên 3 năm
- Học từ xa: Học ở nhà (1 tháng có khoảng 2 buổi hướng dẫn học tại trường)
4. Trường học cho người nước ngoài
Ở Nhật có trường cho người nước ngoài có thể học bằng tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Bồ Đào Nha … Nhiều trường cho người nước ngoài theo cơ chế trường tổng hợp dựa theo luật gọi là luật giáo dục trường học của Nhật, tùy theo trường đại học của Nhật nhưng cũng có những trường không công nhận kỳ thi của người tốt nghiệp trường cho người nước ngoài. Tuy nhiên, tùy theo trường cho người nước ngoài mà cũng có những trường hợp vẫn có đủ điều kiện thi vào đại học và cao học của Nhật. Vì vậy, hãy hỏi chi tiết tại các trường cho người nước ngoài.
Ngoài trường phổ thông trung học, còn có các trường cao đẳng chuyên môn đào tạo kỹ thuật viên chuyên môn, trường chuyên tu dạy nghề thực tiễn, kỹ thuật chuyên môn, trường tổng hợp dạy về may vá, kế toán, thủ quĩ , bảo trì xe hơi, nấu bếp/ dinh dưỡng, cắt tóc, chăm sóc sắc đẹp, vi tính, hội thoại tiếng Anh, công nghiệp …
Giáo dục Nhật Bản – tiên tiến và nghiêm khắc (P2) – Chương trình đại học, TẠI ĐÂY.