Ở bài viết trước chúng ta đã được lắng nghe những chia sẻ đáng quý từ 2 bạn sinh viên tại đại học Nagoya theo chương trình G30. Bài viết lần này là những chia sẻ của bạn cuối cùng nhận được học bổng Global 30 năm 2014 của Meidai.

Chào các bạn. Tớ tên là Sơn hiện là sinh viên năm nhất trường đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội. Tớ vừa nhận được học bổng G30 của trường Nagoya cho khóa Undergraduate khai giảng mùa thu năm 2014. Sau đây tớ xin chia sẻ một chút kinh nghiệm cá nhân trong quá trình xin học bổng này.

Giới thiệu về Nagoya University

Nagoya là một trong những trường hàng đầu của Nhật Bản cũng như nằm trong top 100 trường đại học trên thế giới theo (topuniversity.com). Ngoài ra, do tớ rất thích vật lý, việc có 4 giáo sư đạt giải Nobel trong lĩnh vực này đều là từ đại học Nagoya thực sự rất cuốn hút đối với tớ. Tớ mới tham khảo được một số trường trong chương trình G30, thấy Nagoya cung cấp một khoản học bổng khá nhiều. Nó bao gồm tiền học 4 năm (538000 yên/năm) + tiền sinh hoạt (500000 yên/năm) + 282800 yen khoản phí đăng kí (registration fee) cho năm đầu tiên. Ngoài ra, trường cũng mới khánh thành khu kí túc xá dành riêng cho sinh viên của G30, gồm 93 phòng đơn (15m2) với rất nhiều tiện nghi. Ngoài ra thì để có thêm thông tin trường các bạn có thể lên mạng vào website của trường và tra thông tin trên Google.

Trước khi làm hồ sơ

Trước hết, các bạn cần phải hiểu rõ bản thân như mục đích đi du học là gì?, thực sự muốn theo theo ngành gì?,… Các câu hỏi kiểu này trước hết tạo cho các bạn một động lực rõ ràng để tiến hành apply. Ngoài ra cũng quan trọng là nó giúp cậu viết bài luận (phần này tớ sẽ nói cụ thể hơn ở phần sau).

Tìm hiểu thông tin về trường, ngành học (do mới bắt đầu từ năm 2009 nên các chương trình ở G30 vẫn còn hạn chế nhưng tin vui là nó đang tăng từng năm), mức học bổng, chi phí sinh hoạt trong khu vực, khí hậu,… Những thông tin này có rất cụ thể ở trên website của trường hoặc trên internet.

Cách thức apply

Xin lưu ý là do tớ chỉ apply duy nhất vào Nagoya nên cũng không biết cụ thể của các trường khác.

Thi tuyển thì bao gồm 2 phần chính, làm application form và phỏng vấn trực tiếp (một số trường có thể phải làm bài kiểm tra đầu vào).

Làm hồ sơ

Mỗi trường đều có hệ thống hồ sơ trên mạng (online application) trong đó điền các thông tin các nhân, ngành học,..

Các giấy tờ bao gồm:
1. Chứng chỉ tiếng anh (yêu cầu của từng trường, thông thường IELTS >= 6.0, TOEFL >=80).
2. Điểm của một kì thi chuẩn ( Standardized Tests) SAT, GME, EJU.
3. Học bạ cấp 3 (đến hki I lớp 12) dịch thuật công chứng và gửi trực tiếp.
4. Bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc giấy xác nhận của nhà trường về thời gian tốt nghiệp cho những bạn đang học lớp 12. Dịch thuật công chứng gửi trực tiếp.
5. 2 bài luận
6. Các loại bằng, chứng chỉ tham gia tình nguyện đã tham gia (nếu có)
7. Đơn xin học bổng theo form của trường (nếu muốn xin học bổng :3)
8. Thư giới thiệu. (số lượng 2)

Kinh nghiệm bản thân

1) Như các bạn biết do người Nhật nói tiếng anh cũng không tốt lắm, nên bằng tiếng anh cũng không nên quá quan trọng hóa, không nhất thiết phải thi quá cao, nên tập trung vào phần khác (dĩ nhiên là tớ khuyến khích những bạn có khả năng =)))) tốt nhất là từ 6.5 trở lên)

2) Trường yêu cầu nộp học bạ và bằng tốt nghiệp (phô tô công chứng) và phải được gửi bởi trường cấp 3 qua đường bưu điện. Hồi tớ làm hồ sơ, lúc ra trường cấp 3 hỏi thì họ sẽ không gửi cho mình đâu. Tốt nhất là ra trường xin họ đóng dấu giáp lai vào phong bì (loại để gửi công văn của nhà trường) và tự gửi. Ngoài ra, do bằng tốt nghiệp chỉ ghi xếp loại, nhà trường có thể yêu cầu cung cấp điểm thi, nên tốt nhất các bạn gửi luôn cả bằng tốt nghiệp tạm thời sang.
Cho các bạn dang học lớp 12, có thể ra văn phòng trường xin giấy xác nhận thời gian tốt nghiệp (chắc là được =3)

3) Số lượng bài luận tùy thuộc vào mỗi trường (như Kyushu 3, Nagoya 2). Nội dung thay đổi mỗi năm nhưng thường sẽ là để bạn bày tỏ mong muốn được theo học, niềm đam mê với chuyên ngành và quan tâm của bạn tới các vấn đề xã hội. Đọc kĩ đề và yêu cầu về số lượng từ. Lúc mới viết, tớ đọc rất nghiều bài mẫu và lời khuyên ở trên mạng, cố sử dụng nhưng từ “đao to búa lớn”. Nhưng mình thấy nó nghe rất sáo rỗng không có nội dung gì. Rồi tớ có nhận được lời khuyên khá bổ ích đó là viết tất cả những gì mình suy nghĩ, đi thằng vào câu hỏi không vòng vo (họ không có nhiều thời gian để đọc), không dung nhiều câu đao to búa lớn, viết theo lối academic. Với những đề luận hỏi về giải quyết vấn đề trong cuộc sống, nên chọn những thứ mà liên quan đến ngành mình học, bởi vì bạn sẽ dễ dàng đưa ra được những ý tưởng mới lạ (có thể điên dồ) nhưng phải kèm giải thích hợp lý. Cố gắng áp dụng kiến thức của chuyên ngành (sẽ rất ăn điểm trong mắt giám khảo).

4) Thư giới thiệu là phần khá quan trọng trong hồ sơ bởi vì nó cung cấp cho người tuyển sinh có được đánh giá khách quan về bạn. Thông thường, thư được viết bởi những người càng có chức vụ cao (giáo sư, tổng giám đốc) sẽ càng có giá trị. Tuy nhiên nếu bạn không có mối quan hệ như vậy, tốt nhất là xin từ thầy chủ nhiệm (vừa dễ xin mà giáo viên chủ nhiệm theo mình 3 năm học nên họ sẽ là người hiểu khá rõ về bạn) và từ thầy/cô dạy bộ môn liên quan đến chuyên ngành (họ sẽ cho biết về trình độ nhận thức môn học cũng như niềm đam mê với môn học, chuyên ngành đó). Những thư này theo tớ nghĩ sẽ giá trị hơn rất nhiều.
Không có khuôn mẫu nhất định cho một thư giới thiệu, nhưng các bạn có thể tìm được dàn ý chung và những điểm cần nêu rất sẵn ở những trang web du học hoặc một số trang trên facebook.

Qua được vòng hồ sơ, bạn sẽ được mời tham gia phỏng vấn.
Phỏng vấn thực chất là để hiểu hơn về bạn, những điều bạn viết trong bài luận có đúng thực tế không, có phù hợp với triết lý của nhà trường và chuyên ngành sẽ theo không. Động viên tinh thần chút, một trang web trên mạng có nói nếu bạn được mời phỏng vấn, tức là hồ sơ của bạn đã gây được ấn tượng cho người tuyển sinh và bạn đang có đến 70% – 80% được nhận vào khóa học. thế nên hãy thoải mái tinh thần và chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

Nên tìm trên mạng những câu hay gặp trong phỏng vấn và tự trả lời theo suy nghĩ của mình. Nhờ bạn kiểm tra và góp ý về cách dung ngôn ngữ. Do là phỏng vấn online, ngôn ngữ cơ thể không cần quá quan tâm, nên tập trung vào ánh mắt (khá quan trọng) và phải nói to rõ ràng (nghe nói người Nhật rất thích những ai khỏe mạnh :3 có sức khỏe để theo học và làm việc). Tuy nhiên, trong 45 phút (như mình là 55 phút) phần lớn thời gian các bạn sẽ làm bài tập ( không rõ với các trường và ngành học khá) cả về toán, lý, hóa. May mắn là chương trình học ở Việt Nam khá là “trâu” nên cũng không nên lo lắng quá, kiến thức tương đối dễ. Nếu không trả lời được thì hãy nói hướng làm bài của bạn cho giám khảo. Họ cũng rất dễ tính và sẽ đưa ra gợi ý nếu bạn gặp khó khăn.

Cám ơn Sơn đã chia sẻ thật chi tiết! Hy vọng kinh nghiệm thực tế của các bạn đã nhận được học bổng sẽ là những tham khảo giá trị cho các bạn đang tìm kiếm học bổng du học Nhật.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết